Tranh cãi Huỳnh_Thị_Bảo_Hòa

Không chỉ Huỳnh Thúc Kháng, mà ngay cả Tản Đà trong "Mấy lời tặng" cũng đã cho rằng Tây phương mỹ nhơn chính "là vở tiểu thuyết thứ nhất của trong bạn quần thoa mới soạn ra". Tương tự, năm 2003, Trương Duy Hy cũng đã khẳng định rằng "nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa, chính là người phụ nữ viết tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam" [8].

Đầu tháng 11 năm 2004, sách Những kỷ lục Việt Nam cũng đã chính thức ghi nhận điều này. Trích thông tin trên website Tổ chức kỷ lục Việt Nam:

"Huỳnh Thị Bảo Hòa chính là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên sử dụng chữ Quốc ngữ để viết tiểu thuyết. Đó là bộ tiểu thuyết "Tây phương mỹ nhơn" được viết xong vào năm 1927, gồm hai tập được in tại nhà in Bảo Tồn (36 Bis Boulevard Bonnard - Sài Gòn) cũng trong năm 1972 với khổ sách 14 x 20 cm. Câu chuyện dựa trên sự thật xảy ra tại Tam Kỳ (Quảng Nam) trong thời gian chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) về mối tình giữa một chàng trai Việt Nam và cô gái Pháp. Bộ tiểu thuyết "Tây phương mỹ nhơn" ra đời đã nhận được sự hoan nghênh của bạn đọc trong nước và được các nhà chí sĩ, nhà báo đương thời như như Huỳnh Thúc Kháng, Tản Đà, Bùi Thế Mỹ...đánh giá cao."Ngoài ra, bà Huỳnh Thị Bảo Hòa còn là người phụ nữ đầu tiên của Đà Nẵng cắt tóc ngắn và sử dụng xe đạp đi lại trong thành phố [9]

Tuy nhiên, theo tác giả Lê Thanh Hiền, thì cuốn Kim Tú Cầu (đăng Trung Bắc tân văn, Hà Nội, từ 25 tháng 5 năm 1923 đến 21 tháng 7 năm 1923; in thành sách tại nhà in Bảo Tồn, Sài Gòn, 1928) của nữ sĩ Đạm Phương mới là "tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng chữ Quốc ngữ của nữ tác giả Việt Nam" [10].